HỢP NHẤT KITÔ HỮU

Vào cuối thế kỷvừa qua, các nhà thần học của hai Giáo Hội tin lành và công giáo đã kí với nhau một “Tuyên ngôn chung về công chính hoá”. Theo đó, ơn công chính không chủ yếu do những việc làm của con người, nhưng trên hết chỉ là do ân huệ của Chúa, dù con người đã có một cuộc sống tốt hay xấu. Đó có phải là một bước tiến thực sự đi tới đại kết hay không? Bên cạnh những điểm giống nhau, ta có phải bằng mọi cách giữ lại những điểm cá biệt về đức tin, để không rơi vào nguy cơ mất bản sắc?

Tiếc rằng ta đã không truyền thông cho mọi người hiểu được đúng nội dung của tuyên ngôn, đơn giản là vì ngày nay chẳng ai còn hiểu “giáo huấn về công chính hoá” nghĩa là gì nữa cả. Thời Luther, đó là một đề tài lớn, làm nôn lòng mọi người, và dĩ nhiên việc bành trướng của Tin lành không chỉ do điểm này mà ra, nhưng còn do chuyện các ông hoàng đã lợi dụng nó để trục lợi cho mình. Ngày nay, câu hỏi trên chẳng còn là đề tài thực tiễn gì nữa trong thế giới tin lành. Vì vậy, công luận chỉ còn hiểu một cách đơn giản là chỉ có ân huệ Chúa mới đáng kể, còn việc lành (cuộc sống) chẳng quan trọng gì cả. Phát biểu như vậy là không những giản tiện hoá quan điểm của Luther, mà còn là không hiểu gì về những vấn nạn con người thật sự đặt ra cho Ki-tô giáo ngày hôm nay. Hơn nữa, 500 năm qua, kể từ Cải cách, cả thế giới Ki-tô giáo đã có được những kinh nghiệm mới và đã trải qua một cuộc đổi thay thời đại. Ở đây tôi không thể trình bày hết mọi chuyện được. Chỉ cần điều này: Trước hết, bản tuyên ngôn chung xác nhận: khởi đầu của một cuộc sống với Chúa quả là do chính Chúa định đặt. Chúng ta không thể tự mình vươn tới Chúa được, nhưng chỉ có Ngài mới có thể đưa ta tới Ngài mà thôi. Đức tin là bước khởi đầu đưa con người tới đường công chính. Và đức tin lại là dấu chỉ của sáng kiến của Chúa, sáng kiến này ta không tự mình tạo nên và ta không xứng đáng để hưởng nó.

Trong quá trình hình thành tuyên ngôn, Giáo Hội công giáo coi trọng điểm này: một mặt hoàn toàn công nhận sáng kiến khởi đầu đó của Chúa, song mặt khác cũng công nhận là Ngài đã thực hiện một cái gì đó trong tôi. Ngài nhận tôi vào, giao cho tôi trách nhiệm, để tôi cùng cộng tác và tạo nên hoa trái – và bản án cuối cùng sẽ được căn cứ trên nỗ lực đồng trách nhiệm của tôi. Tiếc thay cột trụ thứ hai này đã không được công luận chú í đến.

Nói cách khác: Chúa không cần có những kẻ nô lệ, để Ngài cầm tay lôi vào đường công chính và chính Ngài cũng chẳng quan tâm gì tới họ. Nhưng Ngài muốn làm cho con người trở thành đích thực là những bạn đồng hành, những chủ thể thật sự, những người tự có khả năng dùng quà tặng khởi đầu của Ngài để cùng tác động và cùng mang trách nhiệm về tác động đó. Tôi muốn nói đó là hai cột trụ chứa đựng trong tuyên ngôn. Trong đó, kinh nghiệm của Luther rất phù hợp với Tin Mừng đã được đưa vào. Nhưng đồng thời cũng có cả điều mà Giáo Hội công giáo xưa nay vẫn luôn rao giảng. Cả hai tạo nên sự cân đối.

Giáo Hội cầu nguyện cho hiệp nhất ki-tô hữu. Nhưng ai hiệp nhất với ai?

Công thức mà các nhà đại kết lớn đã tìm ra, là chúng ta cứ đi tới. Chúng ta không nhất thiết muốn có những nối kết cụ thể, nhưng hi vọng ở đâu được Chúa đánh thức đức tin, ở đó Ngài sẽ đưa về một mối và ở đó có một Giáo Hội duy nhất. Là người công giáo, chúng ta xác tín rằng Giáo Hội duy nhất đó có khuôn hình nền tảng nơi Giáo Hội công giáo, nhưng cả Giáo Hội này vẫn bước tới tương lai và vẫn để cho Chúa giáo dục và chăn dắt. Như vậy, chúng ta không đề ra một kiểu mẫu nối kết nào cả, mà đơn giản cứ tiếp tục bước đi trong niềm tin dưới sự hướng dẫn của Chúa – là đấng biết con đường sẽ đưa tới đâu. Và chúng ta tin tưởng vào Ngài.

Đã có những suy nghĩ mạnh bạo về mặt đại kết?

Không, vì chuyện kết hợp không thể là một màn diễn chính trị, hay do thanh gươm dí vào cổ mà thành được. Cũng không do giáo chủ công giáo hay Hội đồng tôn giáo thế giới muốn là được. Mà đó là những diễn tiến sống động. Đức tin là một cái gì sống động và cắm rễ sâu trong mỗi người và nó mang trách nhiệm trước mặt Chúa. Giáo chủ không phải là ông vua độc tài hay chuyên chế muốn làm gì thì làm, nhưng nhiệm vụ của ngài là phục vụ sự vâng lời đức tin.

Trong đức tin, người ta không thể ra lệnh cho ai phải soạn ra những dự án đại kết như thế nào, hoặc bảo rằng, thôi bây giờ Giáo Hội anh bỏ bớt đi một chút, phía tôi thêm vô một chút, không thể có chuyện như vậy được. Hoặc là ta tin vào Chúa – như vậy thì không thể nói được ngày mai ta sẽ làm khác đi. Hoặc là ta coi mình có quyền quyết định – như thế thì mọi chuyện sẽ vô giá trị. Không, đức tin là cái gì sống, trong đức tin chúng ta tín thác vào Chúa, và Ngài sẽ không vì mưu đồ chính trị mà phải đi tới một công thức thoả hiệp.

Chúng ta chỉ có thể khiêm tốn nỗ lực cơ bản hoá đức tin, nghĩa là nhận ra cái gì là nền tảng nơi nó - cái đó không do ta làm ra nhưng ta đã nhận được từ Chúa-, và từ tâm điểm cái nền tảng đức tin đó ta mở ra và để Chúa, chỉ một mình Chúa mà thôi, dẫn đi tiếp.